‘Phương trình của Chúa’ – suy ngẫm về sự tồn tại của con người

Trong “Phương trình của Chúa”, Michio Kaku ghi lại lịch sử và câu hỏi chưa được giải đáp về lý thuyết thống nhất của vạn vật.

Cuốn sách nổi tiếng của nhà vật lý Michio Kaku được dịch và xuất bản trong nước hồi tháng 7, là một công trình nhằm ghi lại vẻ đẹp và bí ẩn của vũ trụ, đặt ra nhiều suy ngẫm về sự tồn tại của con người.

Nhiều phát hiện khoa học từng thay đổi tiến trình của nền văn minh cũng như số phận của loài người. Tuy vậy, những câu hỏi sâu xa nhất của khoa học và triết học cho đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ: “Chúng ta từ đâu đến?”, “vũ trụ từ đâu mà ra?”, “liệu có một đáng tối cao toàn năng hay không?”.

Tác phẩm "Phương trình của Chúa" của tác giả Michio Kaku, do NXB Trẻ phát hành vào tháng 7. Ảnh: Ngạn Bình
Tác phẩm “Phương trình của Chúa” của tác giả Michio Kaku, do NXB Trẻ phát hành vào tháng 7. Ảnh: Ngạn Bình

Sau thời của Newton và Maxwell, khoa học ngoài việc giải thích được những bí ẩn của tự nhiên, đưa đến kỷ nguyên mới thịnh vượng về kinh tế, còn được kỳ vọng có thể kết hợp các phương trình và mang đến một lý thuyết về vạn vật. Nhưng khi Einstein xuất hiện, các trụ cột của khoa học lẫn nhận thức của con người về thế giới một lần nữa được sắp xếp lại. Einstein trở thành người giữ hy vọng trong cuộc tìm kiếm một lý thuyết về vạn vật, một phương trình cho phép con người có thể “đọc được ý nghĩ của Chúa”.

Khi Einstein mất, ảnh chụp chiếc bàn làm việc của ông vẫn còn quyển vở để mở, chứa đựng lý thuyết dang dở của vạn vật mà Einstein gọi là Lý thuyết trường thống nhất. Ông đã không thể hoàn tất công trình đầy tham vọng đó.

Michio Kaku – nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Nhật, một trong hai người đồng sáng lập lý thuyết trường dây. Ảnh: Mkaku

Đến nay, các nhà vật lý vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho lý thuyết về vạn vật. Bất chấp thực tế rằng nhiều nhà khoa học đã thử và thất bại, Michio Kaku, nhà khoa học được truyền cảm hứng từ quyển vở dang dở của Einstein, tin rằng con người đang ngày càng tiến gần đến lời giải.

Michio Kaku (sinh năm 1947) là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Nhật, giáo sư về vật lý lý thuyết tại Đại học New York. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về Lý thuyết dây từ năm 1968 và là một trong hai người đồng sáng lập Lý thuyết trường dây. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng với vai trò là một nhà truyền thông khoa học, tác giả của nhiều tác phẩm viết về vật lý và có mặt khá thường xuyên trên các chương trình truyền thanh, truyền hình về khoa học.

Trong Phương trình của Chúa, Michio xâu chuỗi lại các sự kiện trong quá trình truy tìm lý thuyết tối hậu và nhiều ngóc ngách mà ông gọi là “những chương lạ lùng nhất trong lịch sử vật lý”. Ông tổng quan lại các cuộc cách mạng trước đó, bắt đầu từ cuộc cách mạng Newton, làm chủ lực điện từ, sự phát triển của thuyết tương đối và lý thuyết lượng tử, cuối cùng là Lý thuyết dây.

Khi nói đến “phương trình của Chúa”, Michio có sự phân biệt giữa hai khái niệm “Chúa nhân vị” của Kinh Thánh và “Chúa của Spinoza” – khái niệm ông cũng như Einstein tin rằng có thể giúp tìm ra bí ẩn của vũ trụ. Đó là Chúa của trật tự trong vũ trụ, đại diện cho cái đẹp, sự đơn giản và tao nhã. “Vũ trụ đó có thể là xấu xí, ngẫu nhiên, hỗn độn, nhưng thay vì thế nó có một trật tự ẩn giấu bí ẩn nhưng sâu sắc”, ông viết.

Để giải mã bí ẩn của vũ trụ, các nhà khoa học đang quy tụ về một lý thuyết có thể thống nhất bốn lực cơ bản của tự nhiên, bao gồm: Lực hấp dẫn, điện từ, lực hạt nhân mạnh và lực hạt nhân yếu. Michio Kaku cho rằng nếu thật sự có một lý thuyết như thế, nó sẽ là chiếc “chén thánh của vật lý”, một phương trình duy nhất mà từ đó, về nguyên tắc, có thể dẫn ra các phương trình khác, bắt đầu từ Big Bang cho tới sự kết thúc của vũ trụ. “Nó sẽ là sản phẩm cuối cùng của hai nghìn năm nghiên cứu khoa học kể từ khi những người cổ đại đặt câu hỏi: Vũ trụ được cấu thành từ cái gì?”, tác giả viết.

Michio không chỉ bàn đến khoa học như một đối tượng nghiên cứu hàn lâm, mà kết hợp nó với các vấn đề sâu sắc của triết học, về khái niệm “cái đẹp” trong mắt các nhà khoa học hay ý nghĩa của các công trình nghiên cứu đối với cuộc sống, tư tưởng và tương lai của nhân loại.

Như nhà vật lý Freeman Dyson từng nói, con đường tới lý thuyết trường thống nhất “rải đầy xác của những ý đồ thất bại”, song việc hiểu được những nỗ lực của các nhà khoa học hàng đầu thế giới qua nhiều thập kỷ có thể đem lại một bức tranh thú vị về khoa học.

“Nếu ai đó có thể làm sáng tỏ những điều thâm thúy của toán học và Lý thuyết dây, thì đó chính là Michio Kaku. Cuốn sách của ông trình bày những ý tưởng đột phá trong vật lý lý thuyết và giúp người đọc chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển lớn tiếp theo”, tờ Wall Street Journal nhận xét.